Mỗi đô thị trong mỗi giai đoạn đều có những xu hướng phát triển không gian phù hợp với nền kinh tê,với tư duy của các nhà hoạch định Chính sách, các nhà Quy hoạch và tập quán lối sống của người dân.
Trong suốt quá trình tồn tại của đô thị, chỉ có một số giai đoạn nhất định các ý tưởng xây dựng thành phố được lập thành quy hoạch để điều khiển và quản lí hoạt động xây dựng Trải qua thời gian đi vào cuộc sống có ý tưởng tàn lụi, có ý tưởng thăng hoa. Nhưng thành bại của một ý tưởng không hẳn do chính bản thân ý tưởng mà còn ở nhận thức, tư duy của con người. Cuộc sống thì phong phú đầy biến động mà nhận thức tư duy của mổi con người thì có giới hạn.
Thành phố Vinh kể từ khi thành lập (1899) đến nay đã hơn 100 năm có biết bao biến động lịch sử và từ đó đã nảy sinh bao ý tưởng xây dựng thành phố ,các ý tưởng đó đã đi vào cuộc sống như thế nào ? Xin hãy lướt qua vài nét về lịch sử quy hoạch xây dựng thành phố để có một cái nhìn rỏ hơn về mối quan hệ giữa ý tưởng quy hoạch với tiến trình phát triển đô thị.
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ XÂY DỰNG
Lịch sử xây dựng thành phố có thể phân ra các thời kì như sau :
-Thời kì Pháp thuộc
Ngày 12-7-1899 Vua Thành Thái ra đạo Dụ cho thành lập thị xã Vinh.Ngày 20-8-1899 Toàn quyền Đông dương Pôn Đume dựa theo đó ra Nghị định chuẩn y
Trung tâm thị xã Bến thuỷ được thành lập theo đạo Dụ của Vua Duy Tân ngày 11-3 1914 và Nghị đinh của Toàn quyền Đông dương Ru-mơ ngày 18-2-1916
Ngày 28-7-1917 Vua Khải Định ra đạo Dụ thành lập thị xã Trường Thi .Ngày 18-12-1917 Toàn quyền Đông dương An-be Sa-rô ra Nghị định chuẩn y
Như vây giai đoạn này vùng Vinh-Bến thuỷ có 3 thị xã kề cận nhau là Vinh – Bến thuỷ – Trường Thi
Ngày 10-12-1927 Toàn quyền Đông dương Mông-ghi-giô ra Nghị định thành lập thành phố Vinh-Bến thuỷ
-Thời kì Việt nam DCCH 1962 – 1973
Sau cách mạng tháng 8 ,theo sắc lệnh số 2 ngày 24-1-1946 của Chính phủ VNDCCH Vinh là thị xã với 5 khu phố
Ngày 10-10-1963 Hội đồng Chính phủ VNDCCH ra Quyết định số 148 CP về việc thành lập Thành phố Vinh trực thuộc tỉnh Nghệ an
-Thời kì Cộng hoà dân chủ Đức tham gia1973 – 1980
Nước CHDC Đức cử chuyên gia sang giúp thành phố Qui hoach và xây dựng.Đây là thời kì mà các nhà quy hoạch của chúng ta trực tiếp tiếp cận với con người và tư duy đô thị hiện đại
-Thời kì 1990-1998
Thời kì sau mở cửa,thành phố đã có những khởi sắc,cần phải quy hoạch sắp xếp lại thành phố cho hợp lí hơn
Thủ tướng Chính phủ ra Quýet định 603 TTg ngày 20-12-1993 phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng thành phô Vinh
Ngày 13-8-1993 Thủ tường Chính phủ ra Quyết định số 404/TTg công nghận Vinh là đô thị loại 2
-Thời kì 2000-2005
Thời kì trăn trở làm sao cho thành phố vươn tới tầm cao hơn
Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phô Vinh đã được phê duyệt tại Quyết định số 49/2000/QĐ-TTg ngày 21-4-2000 của Thủ tướng Chính phủ
CÁC XU HƯỚNG TỔ CHỨC VÀ PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN
-Thời kì Pháp thuộc
*Công nghệ giản đơn, qui mô đầu tư nhỏ : Vinh đã trở thành trung tâm công nghiệp bắc trung bộ
Ngay từ những năm 1899 người Pháp đã cho thành lập 6 đô thị ở miền trung trong đó nổi trội hơn cả là 3 đô thị Vinh ,Huế ,Đà nẵng .Về mặt kinh tế trong con mắt của Người Pháp Vinh được coi trọng hơn có thể thấy điều này trong việc Vinh được nâng cấp lên thành thành phố (1927 ) trước Huế (1929 ) 2 năm .

Trong giai đoạn này Vinh có nhiều lợi thế: Là đầu mối giao thông có đường xe lửa nối với thủ đô Hà nội, có đường bộ (đường số 7,số 8 ) nối với Lào, có sân bay, cảng Bến thuỷ. Vinh đã là một đô thị công nghiệp dịnh vụ nhộn nhip với 18 000 dân bao gồm 3 phần :Trung tâm thành phố là khu vực thành cổ và bao quanh thành cổ có khu người Pháp ở, khu buôn bán người Việt, người Hoa ; Vùng Trường thi có nhà máy xe lửa Bắc Trung kì và sân bay; Vùng Bến thuỷ là trung tâm công nghiệp, có cảng sông tàu bề đi lại sầm uất.
Nhờ vào vị trí thuận lợi để khai thác rừng tự nhiên phong phú của Nghệ an nên Tư bản Pháp đầu tư vào khu vực này những công trình công nghiệp có qui mô lớn của thuộc địa như Nhà máy cưa Bến thuỷ, Nhà máy diêm, Nhà máy điện, Nhà máy sửa chữa xe lửa, Nhà máy cá hộp, Cảng Bến thuỷ, Sân bay ….v…v.Tổng số lao động công nghiêp khoảng 7000 người. Ngoài ra Thành phố thành lập trường Quốc học là cái nôi đào tạo nhân tài của khu vực Bắc miền Trung
Xét về mặt kinh tế, thời thuộc Pháp Vinh là thành phố công nghiệp thương mại lớn nhất Bắc Trung bộ và là cửa ngõ thông ra biển của Vương quốc Lào
Điều này đôi khi làm cho ta lầm tưởng Vinh mãi mãi là trung tâm vùng Bắc Trung bộ. Tuy nhiên ngày nay với công nghệ và nền kinh tế hiện đại ,một cảng nhỏ như cảng Bến thuỷ không còn là ưu thế nữa,những cảng nước sâu,những sân bay rộng lớn,những tuyến đường cao tốc…v..v mới là động lực thúc đẩy sự phát triẻn đô thị.Hơn nữa tài nguyên rừng của Nghệ an đã bị khai thác kiệt quệ làm mất đi ưu thế như thời người Pháp khai thác thuộc địa.Vì vậy để giữ vững vai trò trung tâm Vùng thành phố cần phải có những đột phá về kinh tế trên cơ sở khai thác thế mạnh của xứ Nghệ như đất rộng,người đông,địa hình đa dạng,Lịch sử,tập quán phong phú.
Về tổ chức không gian thành phố kéo dài tư khu vực thành cổ (phía tây ) đến cảng Bến thuỷ (phía đông). Chia làm 2 khu vực : Phía tây là khu trung tâm hành chính,khu dân dụng;phía đông từ nhà máy xe lửa Trường thi đến bờ sông là khu công nghiệp.Yếu tố mặt nước được khai thác vào vân tải phục vụ hoạt động thương mại,công nghiệp .Như vậy giai đoạn này thiên nhiên được khai thác vào sản xuất chưa được khai thác nhằm nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị
-Thời kì Việt nam DCCH 1962 - 1973
*Chiến tranh và lũ lụt không cho thành phố nằm trên sông
Thời kì đầu sau chống Pháp thắng lợi ,Tư duy về vài trò trung tâm vùng của Vinh không những vẫn còn nguyên vẹn mà còn được bổ sung bởi ánh hào quang của quê hương Hồ Chủ tịch. Không còn nghi ngở gì về vai trò của Vinh, bây giờ chỉ là vấn đề xây dựng Vinh như thế nào cho đúng tầm. Các ý tưởng quy hoạch đều đưa Vinh ra sát bờ sông Lam tạo nên một đô thị ven sông. Đây cũng là ý tưởng của người Pháp khi xây dựng Bến thuỷ và cũng là nổi trăn trở suốt cả quá trình phát triển của thành phố. Với các cơ sở còn đang hoạt động dọc sông Lam như: Cảng Bến thuỷ, Nhà máy điện Vinh, Nhà máy gỗ, nhánh đường sắt chuyên dụng chở gỗ xuống cảng, kho xăng dầu cũng cho thấy rõ ý tưởng đó.
Tuy nhiên với những dòng sông thuỷ chế thất thường như sông Lam thì việc xây dựng thành phố trên sông thật là khó. Theo thống kê hàng năm thường có 2 - 5 (1964 có 5 trận) trận lũ .Những trận lụt lớn năm 1954, 1962,1973 …. đã cho thấy rằng lúc bấy giờ chưa đủ điều kiện chế ngự sông Lam để xây dựng một thành phố thơ mộng ven sông.
Năm 1965 chiến tranh phá hoại lan rộng việc xây dựng gác lại lỡ hẹn với một ý tưởng mà sau này là một sự xuyên suốt qua trình nghiên cứu quy hoạch của các nhà quy hoạch
-Thời kì Cộng hoà dân chủ Đức tham gia 1973 -1980
*Sự hình thành và tan rả của hình thái đô thị kiểu bàn tay xoè
Với sự giúp đở của các chuyên gia quy hoạch CHDC Đức, chúng ta đã được tiếp cận với mô hình đô thị hiện đại phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Với những dữ liệu đầu vào như lúc bấy giờ một qui mô dân số 18 - 22 vạn dân được xác lập và cấu trúc đô thị là một số các trục phố hướng vào nhân trung tâm. Không gian đô thị đan xen với không gian cảnh quan tự nhiên của sông Lam, núi Quyết, của đồng ruông vùng ngoại vi, thông thoáng tự nhiên. Không có gì thân thiện với môi trường hơn một đô thị kiểu này.
Tuy nhiên đô thị kiểu này đã không tồn tại được lâu và việc thực hiện mô hình này mới làm chưa được bao nhiêu. Nền sản xuât nhỏ không bảo vệ được cơ cấu đô thị hiện đại
Để thấy rõ vấn đề này có thể tóm tắt những nội dung chính của quy hoạch thành phố lúc bấy giờ :
1) Về mặt tính chất chức năng : Thành phố được xác lập là tỉnh lị tỉnh Nghệ an và là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại
2) Về tổ chức không gian : Định dạng đô thị kiểu hình tia
- Trung tâm bám theo các dọc phố chính ,điểm đồng qui các phố chính là nhân của thành phố
- Các khu nhà chung cư được hoạch định với tầng cao là 5 tầng phù hợp với thành phố nhỏ và bố trí theo trục phố chính hình tia từ trung tâm ra ngoại thành.Các khu chung cư này sẽ được đầu tư từng bước theo kế hoạch Nhà nước
Tuy nhiên :
- Vốn đầu tư có hạn - nhất là lĩnh vực nhà ở – do vốn nhà nước giai đoạn này khó khăn, viện trợ nước ngoài hạn chế dẫn đến giải pháp nhà ở dân tự xây thống trị suốt cả thời kì (và kéo dài cho tới nay)
- Nền sản xuất nhỏ,kinh tế gia đình còn rất lớn,đặc biệt trong thương mại do vậy nhu cầu làm nhà gần trung tâm, dọc các phố chính, kết hợp buôn bán dịch vụ. Yếu tố khoảng cách đến trung tâm (nơi tập trung Hành chính, dịch vụ công cộng) thắng thế, yếu tố môi trường có thể nói chưa hề được quan tâm.
- Đô thị Việt nam phát triển khác với cách nhìn nhận của người Đức và tình thần lạc quan XHCN của chúng ta lúc bấy giờ. Yếu tố “buôn bán nhỏ“ là yếu tố vượt trội của thành phố Vinh lúc bấy giờ, đầu tư vào các hoạt động Công nghiệp, Tài chính, Du lịch, Thương mại dịch vụ lớn còn rất nhỏ nhoi so với tầm cở,vai trò của thành phố
Tất cả những điều nêu trên đã làm phá vỡ một cách tàn nhẫn cơ cấu đô thị hình bàn tay xoè, đẩy thiên nhiên ra xa thành phố, tước đi của chung ta một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị mà không phải ai trong chúng ta cũng cảm nhận được.

-Thời kì 1990-1998
*Định hướng phát triển về phía đông bắc phát huy hiệu quả
Đô thị phát triển nhanh vượt qua con sô 18 vạn dân (Con số qui mô dân cư thành phố được hoạch định trong qui hoach trước đây ) .Tổ chức không gian đô thị phát triên theo lô gíc ưu tiên bán kính đên trung tâm. Các vùng lõm của cấu trúc bàn tay xoè bị đóng kín bởi các khu nhà chia lô và các khu chức năng khác. Đô thị phát triển xung quanh nhân trung tâm đã bắt đầu đủ độ lớn, bán kính ảnh hưởng của trung tâm đã đến mức tối đa, đã đến lúc cần phải phát triển đô thị, tạo nên những hạt nhân mới. Lúc này hướng phát triển về phía Cửa lò được lựa chọn
Sông nước luôn là điều khao khát của đô thị, tuy nhiên giai đoạn này không ai nghĩ đến một bờ sông đầy bất trắc (lụt năm 1978,1982 ) mà người ta bắt đầu nghĩ về biển. Một ý tưởng về thành phố Vinh là một thành phố nghỉ mát, tắm biển được phôi thai
Lúc bấy giờ Cửa lò đang hình thành thị xã du lịch, sức hút của Cửa lò và sự phình ra của thành phố đã bắt đầu tạo được sự đô thị hoá 2 trục Vinh-Cửa lò; Vinh-Cửa hội. Xu hướng nhích về nhau của hai đô thị đã được hình thành.
Bao giờ thì 2 đô thị này gặp nhau ?
Hai đô thị này tại sao không thể là một?
Chính những băn khoăn này là nguyên nhân nẩy sinh ý tưởng nối kết 2 đô thị để đến một ngày nào đó sẽ hình thành một thành phố Vinh nghĩ mát tắm biển (Một trục phố liên tục, giao thông nhanh, thuận lợi có thể kéo biển về gần hơn với người dân thành phố Vinh)
Trong các lí do để chọn hướng phát triển thành phố về hướng Đông bắc có lí do về kinh tế đất. Đất vùng phiá đông huyện Nghi lộc cằn cỗi, năng suất canh tác thấp tuy dân cư ở xen kẽ nhưng đầu tư xây dựng còn thấp trưng dụng đất hợp lí hơn, thuận lợi hơn. Đất phía tây thành phố thuộc huyện Hưng nghuyên là vùng trũng trồng lúa năng suất cao trưng dụng vào xây dựng không hợp lí, hơn nữa vùng này lại tách biệt với thành phố bởi đường sắt bắc nam và cao độ địa hình
Như vậy một quy hoạch đã được xây dựng và được phê duyệt, yếu tố nước (ở đây là biển) vẫn là cái đích hướng tới. Phương án quy hoạch này tỏ ra hợp với xu hướng phát triển và đã thực sự đi vào đời sống đô thị. Cho tới nay thành phố đang phát triển mạnh về hướng đông bắc và định hướng đô thị phát triển theo hướng này vẫn được thừa nhận
-Thời kì 2000-2005
Lại xác lập lại vai trò trung tâm vùng Bắc trung bộ
Sau thời kì mở của đến lúc này thành phố đã lớn mạnh lên nhiều, tầm nhìn đã khác và lúc này đây cần phải xem xét lại vai trò của đô thị Vinh xác lập mục tiêu phấn đấu.
Vẫn đang còn trong tâm tưởng niềm tự hào của một đô thị hùng mạnh trung tâm lớn của vùng miền trung, phải chăng đô thị Vinh vẫn phải là trung tâm vùng. Sau nhiều phân tích đánh giá việc Vinh là đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ đã được khẵng định. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Vinh đã là trung tâm mà cái chính là đã chỉ ra những thuận lợi và cơ hội để Vinh có thể vươn lên đảm trách vai trò này
Mục tiêu đã xác lập, được Chính phủ phê duyệt, bây giờ là lúc trăn trở tìm hướng đi đến đích. Trong năm năm thực hiện quy hoạch chúng ta đã tiến về phía trước chưa được bao nhiêu. Về kinh tế xã hội vẫn mới chỉ là tỉnh lị tỉnh Nghệ an, chưa có một sản phẩm “Vùng “ nào xuất hiện ngoài 2 trường đại học Sư phạm vốn có từ trước. Về tổ chức không gian, Đô thị Vinh vẫn không tăng trưởng nhanh như dự báo, việc nối Vinh với Cửa lò còn là tương lai mặc dầu đã có những khởi động của các dự án khu đô thị mới
Để đến được mục tiêu đưa thành phố phát triển, văn minh hiện đại còn phải nhiều phấn đấu, nhiều trăn trở. Có một điều mà chúng ta thường tự hỏi: Để đến tương lai, con đường mà ta đang đi có phải là con đường duy nhất không?

MỘT VÀI VẤN ĐỀ RÚT RA
-Quy hoạch xây dựng
+ Dữ liệu đầu vào chưa thật chính xác
Thời kì đầu Quy hoạch tính toán cụ thể qui mô, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nhưng dữ liệu đầu vao chưa bao giờ chính xác do vậy các phương án quy hoạch thường là không thực hiện được trọn vẹn hoặc bị phá sản
Giai đoạn sau thời mở cửa quy hoạch mang tính định hướng, mềm dẻo hơn, lượng thông tin nhiều hơn, các văn bản pháp qui, các hướng dẫn của ngành chuyên môn cụ thể hơn, do vây các quy hoạch đã dự báo sự phát triển đô thị đúng hơn, sát thực tế và đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu phát triển như hiện nay các nhà quy hoạch cần phải có được những thông tin chính xác, khách quan và khoa học
+Yếu tố các nhà quy hoạch
Giàu tính lãng mạn
Bản thân nhà quy hoạch vừa là nhà khoa học, vừa là nghệ sĩ vì vậy nhiều ý tưởng quy hoạch giàu tính lãng mạn và là ước mơ vươn tới
Phương pháp tiếp cận còn cúng nhắc
Phương pháp nghiên cứu và lập quy hoạch chuyển biến chậm, các chuyên gia quy hoạch chưa nhiều, phương pháp tiếp cận quy hoạch chưa nhất quán vì vậy việc tính toán, dự báo có nhiều khác nhau.
Việc xác lập các phương án quy hoạch còn chủ quan hoặc qui nạp theo quan điểm của lãnh đạo,chưa tham khảo và coi trọng vai trò của các nhà đầu tư và cộng đồng cư dân. Điều này thường dẫn đến việc tạo ra những quy hoạch thiếu tính thực tế có khi còn dẫn đến những sai lầm đáng tiếc.
+Tác động từ phía chính quyên
Chính quyền ngày càng quan tâm và tham gia vào quy hoạch. Sự quan tâm này đã xác lập vai trò của quy hoạch trong đời sống kinh tế xã hội và tạo nên sức mạnh để đưa quy hoạch vào cuộc sống. Tuy nhiên sự quan tâm này có nhiều lúc dẫn đến sự áp đặt với nhiều mục tiêu chủ quan, nóng vội, rập khuôn. Ngoài ra tệ quan liêu cũng góp phần không nhỏ làm cho các quy hoạch thiếu tính khả thi
Sản phẩm quy hoạch là sự góp sức của nhà quy hoạch, nhà lãnh đạo, nhà đầu tư, cộng đồng dân cư. Cho tới nay vai trò của nhà lãnh đạo đang còn là áp đảo, đây là nguy cơ gây mất cân bằng và giảm sức mạnh của quy hoạch.
-Triển khai xây dựng
+Qui mô đầu tư nhỏ nên việc xây dựng manh mún tạo nên những mâu thuẩn giữa xây dựng trước mắt và phát triển lâu dài. Hơn nữa việc đầu tư dàn trải, không tập trung làm cho quá trình xây dựng không điều khiển được
+Các chủ thể tham gia đều vì lơi ích trước mắt mà hi sinh mục tiêu lâu dài. Điều này cũng dễ hiểu khi sức đầu tư có hạn thì tầm nhìn không thể xa được

-Tổ chức quản lí quy hoạch
Vai trò của người quản lí là hết sức quan trọng nhằm đưa quy hoạch vào thực tiển.Tuy nhiên trong thời gian qua việc quản lí quy hoạch chưa thực sự có kết quả.Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực,ý thức và mục đích cá nhân của cán bộ tham gia quản lí
KTS.Lương Bá Quảng
|