Hoàng Mai là một thị xã nằm ở phía Bắc tỉnh Nghệ An, là đơn vị hành chính mới thành lập, được tách ra từ một phần đất và dân cư của huyện Quỳnh Lưu, là vùng kinh tế động lực và trọng điểm của tỉnh Nghệ An. Năm 2004, khu đô thị mới Hoàng Mai đã được lập quy hoạch với quy mô nghiên cứu bao gồm thị trấn Hoàng Mai và 9 xã: Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Vinh, Quỳnh Dị, Mai Hùng, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Xuân, Quỳnh Trang.
Thị xã Hoàng Mai nằm ở phía Bắc tỉnh Nghệ An, với giới hạn nghiên cứu gồm 10 phường/xã: Quỳnh Thiện, Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Dị, Mai Hùng, Quỳnh Xuân. Có diện tích tự nhiên là 16.974,88ha và dân số là 109.743 người.(theo số liệu điều tra đến 31/6/2014).
Thị xã Hoàng Mai cách thủ đô Hà Nội 210km và cách thành phố Thanh Hóa 77km về phía Nam; cách thành phố Vinh 80km về phía Bắc; Giới hạn cụ thể như sau:
- Phía Bắc giáp: Huyện Tĩnh Gia - Thanh Hóa;
- Phía Nam giáp: Các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Tân, Quỳnh Bảng - H. Quỳnh Lưu.
- Phía Đông giáp: Biển đông;
- Phía Tây giáp: Xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu.
Hoàng Mai có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như sông Hoàng Mai, biển Quỳnh, hồ Vực Mấu, đền Xuân úc,… và di tích cách mạng quan trọng Hang Hỏa Tiễn (phường Quỳnh Thiện); Giáp với KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa) và được hưởng lợi từ chính sách của KKT Nghi Sơn. Đây là cơ hội rất tốt để Hoàng Mai có điều kiện thuận lợi chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hóa…
Tuy nhiên, Sau hơn 8 năm thực hiện, đến nay quy hoạch cũ đã không còn phù hợp với quy mô đất đai, giao thông,… Để trở thành Thị xã với những quy chuẩn hoàn thiện từ công trình nhà ở, các công trình dịch vụ nhà công cộng, hạ tầng kỹ thuật và môi trường sinh thái,.. đòi hỏi một sự đổi mới, đầu tư toàn diện về hình thức tổ chức quản lý cũng như hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội,.. nhằm khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế để thị xã Hoàng Mai trở thành một đô thị loại III với không gian sống hài hòa và phát triển bền vững.
Chính với những điều kiện về vị trí địa lý, cơ sở kinh tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật,... Cùng với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân thị xã Hoàng Mai nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài,… việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thị xã Hoàng Mai tạo tiền đề quan trọng để có căn cứ quản lý và xây dựng đô thị Hoàng Mai sớm trở thành đô thị loại III phía Bắc tỉnh Nghệ An là rất cần thiết.
* Mục tiêu.
- Cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An và thị xã Hoàng Mai theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước;
- Thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy số 17/NQ-TU ngày 27/6/2013;
- Làm cơ sở để phát triển đô thị Hoàng Mai thành một đô thị giàu và đẹp theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã được phê duyệt;
- Làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch và lập các dự án đầu tư xây dựng;
- Làm cơ sở phát triển thị xã Hoàng Mai từ đô thị loại IV (theo Nghị quyết số 47/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4/2013) nâng cấp thành đô thị loại III trong tương lai về phân loại đô thị của Chính phủ (theo Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/5/2009).
* Nhiệm vụ.
- Đảm bảo tính chất chức năng đô thị: Đô thị Hoàng Mai là đô thị hạt nhân của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ với 4 tính chất chủ yếu:
+ Là đô thị động lực với tính chất là đô thị công nghiệp;
+ Là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật;
+ Là trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch sinh thái biển và Văn hóa Tâm linh;
+ Là đầu mối giao thông phía Bắc tỉnh Nghệ An.
- Điều chỉnh định hướng phát triển không gian đô thị Hoàng Mai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An đồng thời bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai.
- Lập quy hoạch phân khu chức năng từng khu vực và có kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất. Xác định giai đoạn đầu tư xây dựng, làm cơ sở cho việc lập dự án đầu tư để huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất.
- Phân tích đánh giá tổng hợp các đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội,... của Thị xã Hoàng Mai.
- Phân tích các động lực tác động tới sự phát triển đô thị và xác định tính chất, quy mô dân số, quy mô đất đai, cơ sở kinh tế kỹ thuật của Thị xã (với tiêu chí là Thị xã trực thuộc tỉnh - Đô thị loại III trong tương lai về phân loại đô thị của Chính phủ).
- Lập định hướng phát triển đô thị (định hướng đến năm 2025 - Thị xã Hoàng Mai xứng tầm đô thị loại III với tính chất đô thị là công nghiệp - thương mại, dịch vụ - du lịch) về các mặt: Không gian kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật.
- Lập quy hoạch sử dụng đất và mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đợt đầu đến năm 2020.
Quan điểm lập quy hoạch xây dựng.
- Quy hoạch chung Thị xã Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai) phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An nói chung và quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ nói riêng.
- Quy hoạch chung Thị xã Hoàng Mai phải được đặt trong mối quan hệ với định hướng phát triển ngành công nghiệp - du lịch Nghệ An và vùng phụ cận để khai thác có hiệu quả nguyên liệu công nghiệp, tài nguyên du lịch tạo nên những sản phẩm mang tính đặc thù đậm nét quê hương hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
- Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan vừa phải tôn trọng hiện trạng vừa phát huy được thế mạnh của các yếu tố cảnh quan thiên nhiên về hình dáng, màu sắc giữa núi rừng, hình thái làng xóm và mặt nước để tăng sức hấp dẫn khách du lịch.
- Lồng ghép phù hợp với các dự án lập quy hoạch xây dựng trong khu vực như: quy hoạch đô thị mới, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch 2 bên tuyến đường Nghĩa Đàn - Đông Hồi, quy hoạch khu công nghiệp...
|