Ngày 15/6/2022, UBND huyện Quỳnh Lưu phối hợp với Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch - Kiến trúc Xây dựng Nghệ An (đơn vị tư vấn) tổ chức Lễ công bố Quy hoạch vùng huyện Quỳnh Lưu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm toàn bộ diện tích thuộc ranh giới hành chính huyện Quỳnh Lưu, gồm 33 đơn vị hành chính (1 Thị trấn Cầu Giát và 32 xã) tổng diện tích lập quy hoạch 43.978,0 ha. Quy hoạch có tính chất là vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm phía Bắc của tỉnh Nghệ An, cùng với Hoàng Mai trở thành cực tăng trưởng quan trọng trong vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ; Vùng phát triển với các chức năng đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch biển và sinh thái, khai thác chế biến thủy hải sản, nông lâm nghiệp,... Là khu vực phát triển hài hòa các mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng.
Quy hoạch định hướng phân thành 03 vùng phát triển không gian, theo hướng vừa kết nối với tổng thể phát triển chung của tỉnh Nghệ An, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng của địa bàn khu vực. Cụ thể như sau:
* Vùng phía Tây (vùng bán sơn địa):
- Gồm 07 xã: Tân Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Tân và Ngọc Sơn. Tổng diện tích 269,71km2.
- Định hướng phát triển chính: Phát triển 02 đô thị tại 02 tiểu vùng (đô thị Tuần tại tiểu vùng Tây Nam và đô thị Tân Thắng tại tiểu vùng Tây Bắc). Phát triển công nghiệp gồm Khu công nghiệp Tân Thắng, Khu công nghiệp Tây Bắc, Cụm công nghiệp Quỳnh Châu. Phát triển nông nghiệp với vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, dược liệu; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phát triển du lịch sinh thái gắn với các hồ đập lớn.
* Vùng Trung tâm (vùng đồng bằng):
- Gồm thị trấn Cầu Giát và 16 xã: Quỳnh Hoa, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Diễn, Quỳnh Hưng, Quỳnh Giang, Quỳnh Bá, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu, An Hoà, Quỳnh Thạch, Quỳnh Đôi, Quỳnh Yên, Quỳnh Lâm, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Văn và Quỳnh Thanh. Tổng diện tích: 117,52km2.
- Định hướng phát triển chính: Phát triển 02 đô thị (hạt nhân là đô thị Cầu Giát và đô thị Quỳnh Văn); định hướng phát triển công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Diễn Quỳnh; Cụm công nghiệp Quỳnh Mỹ; Cụm công nghiệp sạch đô thị Cầu Giát mở rộng; Cụm công nghiệp Quỳnh Thạch và Cụm công nghiệp làng nghề Quỳnh Hoa. Phát triển nông nghiệp với vùng trồng lúa và hoa màu; phát triển nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và du lịch dịch vụ.
* Vùng Đông Nam (vùng ven biển):
- Gồm 09 xã: Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thuỷ, Sơn Hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ và Quỳnh Long. Tổng diện tích: 53,46km2.
- Định hướng phát triển chính: Phát triển 02 đô thị (đô thị Sơn Hải - Quỳnh Nghĩa và đô thị Quỳnh Bảng); định hướng phát triển công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Lạch Quèn, cụm công nghiệp làng nghề Quỳnh Nghĩa; phát triển nông nghiệp vùng nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển.
Định hướng phát triển không gian đô thị: toàn huyện có 06 đô thị
Đô thị Cầu Giát (đô thị loại IV): có chức năng là thị trấn huyện lỵ - Trung tâm hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật và dịch vụ công cộng của huyện Quỳnh Lưu. Đô thị Sơn Hải - Quỳnh Nghĩa (đô thị loại IV): là đô thị biển phía Đông Nam huyện Quỳnh Lưu. Đô thị Quỳnh Bảng (đô thị loại V): là đô thị biển phía Đông Bắc huyện Quỳnh Lưu. Đô thị Tuần (đô thị loại V): là đô thị thương mại dịch vụ khu vực phía Tây huyện Quỳnh Lưu. Đô thị Tân Thắng (đô thị loại V): là đô thị công nghiệp - dịch vụ phía Tây Bắc huyện Quỳnh Lưu. Đô thị Quỳnh Văn (đô thị loại V): là đô thị dự phòng phát triển trung tâm hành chính vùng Quỳnh Lưu - Hoàng Mai. Giai đoạn 2021-2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,90%. Giai đoạn 2030-2050 mở rộng nâng cấp tiêu chí đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 56,20%.
Định hướng phát triển nông thôn: liên kết đô thị điểm dân cư nông thôn đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, xây dựng các khu dân cư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
Định hướng không gian phát triển ngành:
* Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề:
- Với định hướng phát triển về công nghiệp sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng không nung, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp phụ trợ cho khu kinh tế trọng điểm và chế biến Nông - Lâm - Thủy sản trên địa bàn huyện quy hoạch 04 khu công nghiệp với tổng diện tích 789,75ha. Bao gồm: Khu công nghiệp Tân Thắng; khu công nghiệp Diễn Quỳnh; khu công nghiệp Lạch Quèn; khu công nghiệp Tây Bắc.
- Cùng với đó là 07 cụm công nghiệp, làng nghề phục vụ công nghiệp chế biến, da giày, sản xuất hàng tiêu dung và hậu cần nghề cá.
* Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp:
- Quy hoạch vùng cây lương thực chính, cây công nghiệp, cây ăn quả được trồng ở vùng trung tâm và 1 phần miền Tây của huyện; rau màu tại vùng Bãi ngang. Phát triển vật nuôi chủ lực là trâu, bò, lợn, hươu, nai, dê và gia cầm ở vùng miền Tây, vùng núi và vùng bán sơn địa.
- Xác định kinh tế biển là thế mạnh của huyện nên ngoài đánh bắt thủy hải sản còn định hướng 1.150,26ha đất nuôi trồng thủy hải sản tập trung ở các xã ven biển gắn với các nhà máy chế biến.
* Phát triển thương mại dịch vụ: Trung tâm thương mại đầu mối chính được quy hoạch tại các đô thị Cầu Giát, Sơn Hải, Quỳnh Nghĩa, Tuần, Tân Thắng, Quỳnh Bảng và đô thị Quỳnh Văn.
* Phát triển du lịch: Định hướng phát triển 3 loại hình du lịch:
- Du lịch biển gắn với các xã ven biển mà trọng tâm là các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa
- Du lịch văn hóa - lịch sử tại tại xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Văn và xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng…
- Du lịch trải nghiệm gắn với các vùng sản xuất, làng nghề truyền và các danh thắng như hang mắt rồng, hang Dơi, hồ Vực Mấu, hồ Khe Lại....
Với Quy hoạch này, Quỳnh Lưu được kỳ vọng sẽ tạo nên một sự liên kết đủ mạnh với thị xã Hoàng Mai để tạo nên một sức bật mới sớm đưa vùng Quỳnh Lưu - Hoàng Mai trở thành cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh.
|